Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Của hội môn

Dương Phượng Toại
Chủ nhật ngày 26 tháng 1 năm 2014 9:27 PM


Bà cụ Bát Niên có tới hai đời chồng. Kẻ cắt đứt, người gẫy gánh giữa đường. Tuổi xuân xanh thoáng qua lúc nào không hay!
Ngày xưa ở làng quê do đời sống còn lạc hậu, việc sinh đẻ thui chột dăm ba bẩy đốt là chuyện thường tình. Con cái bà Bát Niên cũng đứa còn đứa mất. Đứa còn đều đã lớn khôn, người nào phận ấy. Chỉ còn một mình bà sống thui thủi dưới căn nhà gianh đơn chiếc. Mùa cấy gặt, bà đi làm thuê, đổi công. Mùa nông nhàn, bà lặn lội trên các xứ đồng lúa. Ngày ba tháng tám, bà tay sọt tay cuốc mót khoai sắn bên Tiền An, Bùi Xá. Bà còn theo phường theo bạn vào tận Quảng La, Vị Loại huyện miền núi Hoành Bồ cách xa tới vài chục cây số mua sắn trên nương, cặm cụi dỡ gánh về.
Mỗi lần đi gánh khoai sắn đường xa như vậy, bà lại tranh thủ hái lượm thêm ít lá thuốc, cây thuốc trên rừng đem về bán cất cho ông Lang Quả. Ông Lang Quả có hiệu thuốc nam gia truyền ở chợ Đình Cốc. Ông cũng có một đứa con trai. Thằng bé được mười tuổi thì vợ ông chết. Trong cảnh “Uyên minh khứ hậu vô tri kỷ” (Gà mái mất đi, gà trống không có bạn), ông ở vậy nuôi con. Đến lúc anh con lấy vợ, sinh cháu nội cho ông, rồi ông mới cho chúng nó ra ở riêng. Một mình ông một cửa hiệu nhỏ. Cửa hiệu của ông lúc nào cũng đầy ắp mùi hương dược liệu.

Hàng tháng, trước mỗi phiên chợ, bà Bát Niên vẫn đều đặn đến nhà thuốc bán giao các loại lá và cây thuốc cho ông Lang Quả. Sau những lần nán lại trò chuyện, thêm hiểu cảnh nhau, dần dần họ nẩy sinh cảm tình với nhau. Lời ra tiếng vào, dân làng thêm thắt mỗi người một câu, ai cũng mong muốn cho họ đến với nhau. Hai mái đầu tóc bạc chụm vào cho ấm cảnh gia hàn. Ông cần bà nồi cơm ấm nước, nâng khăn sửa túi. Bà cần ông cho khỏi người đời trêu chọc, và… ấm chỗ nằm!
Vậy là cuối cùng hai ông bà nên duyên thật. Ông bảy nhăm. Bà bảy mươi hai. Nhưng dáng vẻ còn đằm thắm lắm.
Ngày ông Lang Quả sắm lễ sang xin cưới bà Bát Niên cũng thật vui. Toàn hàng xóm với các bậc bạn bè lão nhiêu. Người tóc bạc phơ, kẻ đầu nhuốm muối sương. Người hút thuốc lào nhả khói lơ mơ, kẻ nhai trầu bỏm bẻm. Tiếng nói tiếng cười cứ như một góc hội làng. Hai ông bà cùng vái lạy tổ tiên rồi vái sang nhau, nhìn nhau say đắm. Ai cũng nghĩ họ cứ như cặp uyên ương thuở ban đầu vậy. Tình già như một khúc dân ca, hát lại vẫn ngọt ngào, nồng đượm. Ngôi nhà và ngõ quê nhộn nhịp hẳn lên. Nhưng bất ngờ nhất vẫn là cái hôm bà Bát Niên cắp nón về nhà chồng mang theo của “hồi môn”.
***
Đấy là vào một chiều đang tắt nắng, vòm trời chuyển sang màu hoàng hôn tím. Trên đường làng, người ta thấy một trai tráng kéo một chiếc xe bò. Tiếng bánh xe lăn lọc cọc như tiếng mõ gõ đều đặn. Trên xe có một khối hình vuông dài, phủ một tấm vải lụa điều. Thỉnh thoảng, những làn gió nhẹ lùa tới, tấm lụa điều lại lật bay phấp phới hở mấy chỗ đằng góc xe, để lộ những hình vẽ khuôn chữ Thọ tròn với cả hình con rồng, con chim phượng. Theo sau xe là bà Bát Niên trong bộ quần lĩnh áo the, khăn đóng thướt tha. Mắt long lanh. Miệng bà nhai trầu, đỏ cả khóe môi.
Qua chặng đường cái nối giữa hai làng, chiếc xe rẽ vào cửa hiệu ông Lang Quả và qua cánh ngõ vừa mở, dừng lại trước sân. Ông Lang Quả cùng hai gia nhân ra đón, vẻ mặt đầy phấn khởi. Khi tấm vải lụa được lật khỏi chiếc xe, trước mắt mọi người hiện ra nét nẹt một… cỗ áo quan sơn màu đỏ tươi. Trong ánh sáng chạng vạng vẫn sáng rõ hai bên thành áo quan hình con rồng con phượng nhào lộn uyển chuyển trong những đám mây ngũ sắc. Ông Lang Quả giật mình, trố mắt:
-Sao? Sao sao bà... bà em lại chở thứ này về… về…
-Ôi! Thế… Thế anh… thế ông, ông anh không hiểu đây… đây là thứ gì ạ?
-Biết rồi! Đây là… là… Khổ lắm!
-Đây là của hồi môn của… của tôi đó! Em… Tôi… tôi phải tích cóp bao nhiêu năm nay bằng tiền đi làm thuê, đi gánh khoai sắn, cùng tiền bán lá thuốc... mới sắm được.
-Nhưng… Nhưng…
-Nhưng nó là tiền… là mồ hôi nước mắt… là của cải… Bà Bát Niên tươi cười:
-Mai kia về giời, con cái chúng mình… chúng đỡ phải lo!