Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nguyễn Đăng Phúc và tuyển tập của anh

Đường Văn
Chủ nhật ngày 26 tháng 1 năm 2014 9:37 PM

1. Tình bạn hơn nửa thế kỷ
    
    Tôi và anh Nguyễn Đăng Phúc giao tình với nhau, cho đến nay, cũng đã 50 năm có lẻ rồi. Kỷ niệm vui, buồn chung, cũng không ít. Nhớ những ngày cùng học lớp 3, lớp 4, trường cấp 1 Đức Thắng (còn gọi là trường Vẽ, nay là tiểu học Đông Ngạc) xa xôi. Tôi cùng Phúc thích chơi trò đuổi bắt vòng quanh sân trường, qua mấy gốc sấu, hoàng lan (Di lăng) cổ thụ, lại vòng qua gian hậu cung (của trường), có khi sang cả khu trường mới mở rộng, đến tận bờ ao, sát cạnh Đình Vẽ, cùng nhặt quả roi rụng, chia nhau ăn vội ăn vàng mà ngon đáo để! Phúc đùa đùa gọi tôi là Thần Đồng?! Tôi gọi lại hắn là Thần Đá?! Thế là 2  nhi thần Đồng, Đá lại nắm tay nhau, dung dăng chạy về lớp cho kịp tiết học tiếp theo. Theo tháng năm, chúng tôi cùng học lên cấp 2 (THCS), vẫn tại trường Vẽ thân yêu ấy…Nhớ một chiều đông rét mướt, mưa bụi lay phay trên một dải ao làng, từ ao Sen cho tới ao Đình, ao Binh, ao Đấu, ao Đông Chi,… tôi đang ngồi mê mải đọc bộ Tam Quốc diễn nghĩa bên bàn học, thì Phúc vào chơi. Nhìn qua cửa sổ, mưa giăng giăng bụi rét đầu mùa, tôi cao hứng đọc cho anh bạn thân cùng nghe mấy vần thơ tình con cóc, già khú trước tuổi mà tôi vừa ngẫu hứng suốt đêm qua:

                                      Đêm nay ngồi học, bên bàn viết,
                                      Gió bấc rì rào, mưa phùn rơi,
                                      Buồn buồn, chậm chậm mùa đông tới,
                                      Những đám mây đen phủ kín trời…

                                     Tôi ngồi lặng nhớ người em gái,
                                     Yêu vụng, thương thầm bấy lâu nay,
                                     Sao mãi mấy tuần không được gặp,
                                     Gặp em để ngỏ mối tình này?!...

    Bây giờ nhớ lại, chỉ thấy buồn cười đến nẻ bụng cho chính cái sự ngây ngô, lố lỉnh hồi thơ ấu của mình! Nhưng không hiểu sao, tôi và Phúc đều rất chi là tâm đắc? Cứ bàn tán, trao đổi mãi về khúc thơ vớ vẩn, già cỗi, rỗng rễnh, cũ kỹ, xồm xộp vỏ bào ấy! Và càng lạ hơn là tôi đã gần như quên sạch hàng mấy trăm bài thơ trẻ con tập làm người lớn, lẩm cẩm, ồn ào bắt chước vụng về đủ kiểu, đủ loại mà tôi từng viết như say, như ngây trong những năm niên thiếu tập tọng làm thơ và ngộ nhận về bản thân mình. Nhưng riêng 2 khổ thơ trên, kỳ quái thay, cứ găm chặt vào tâm trí tôi, từ ấy đến nay, như 1 trong những kỷ niệm êm đềm, ngọt ngào nhất về tuổi thơ và tình bạn thuở thiếu thời.
    Sau này, thi thoảng gặp nhau, khi đã vợ con đề huề, ôn lại thời ấu thơ đi học, Đăng Phúc lại đọc lại cho tôi nghe mấy câu thơ gió rét, mưa phùn, ngồi học bên bàn viết… ấy với cái giọng ấm mượt, nhè nhẹ, dìu dịu, thoang thoảng ngậm ngùi của anh, làm tôi lại thấy nao nao, nhớ tiếc một thời đã qua, không bao giờ trở lại…
    Nhà văn, nhà báo Nguyễn Hiếu, một người bạn khác của tôi, cũng là bạn cùng xóm Ôtô của Đăng Phúc, bạn đồng môn, bạn chăn bò, từng viết truyện vừa cho thiếu nhi: Trẻ con làng tôi (in trong tập truyện ngắn Hình như ngoài Văn chỉ có ma, sách Nguyễn Hiếu tuyển tập, NXB Hà Nội, 2010), trong đó dựng lại một cách sinh động hình ảnh lũ trẻ con xóm Ôtô, bến Ngự lập đội bóng đá ngoài đê; mời trọng tài nghiệp dự lão luyện là cụ Đội Kèn. Một trong những cầu thủ nhí đá không hay lắm, nhưng lại khiến cầu thủ đội trong làng rất sợ vì chiêu độc (hỉ mũi bôi vào người để tranh bóng, cướp bóng!). Thằng bé ấy chính là thằng Lộc, tên hèm của Đăng Phúc hồi nhỏ.
    Mùa hè năm nay (2012), khi đều đã thành những lão già lởm khởm ngoại lục thập nhi nhĩ thuận, gặp nhau hàn huyên trong CLBTV Hương Chèm mới thành lập, tôi nửa đùa nửa thật chất vấn Nguyễn Hiếu: - Cậu viết những chuyện nhí nhố đó có thật không đấy? Nhà văn hói đầu làng Chiện cười tinh quái, nheo mắt nhìn ông bạn già, (bỗng hơi đỏ mặt!), hỏi lại: - Thế nào, tao viết về mày như thế có đúng không? Phúc ta cười cười: - Thì trẻ con mà lị! Có thế, mới thắng được lũ sóc quái chúng mày chứ!... Giữa sáng nắng hè oi, chúng tôi nhìn nhau, cùng cười vang Gảnh Đình…
    Cuộc đời vô tình xô đẩy, bả bươn muôn lối mưu sinh… Chúng tôi xa nhau mỗi người mỗi ngả, bằn bặt nhiều năm, hầu như không biết tin nhau…Hình như Phúc không học tiếp cấp 3 (THPT) mà xin vào làm công nhân xí nghiệp gỗ Kho 3, (thuộc xã Liên Mạc), rồi nhập ngũ ít lâu, rồi lại về làm thợ mộc ở đó, rồi lấy vợ, sinh con, rồi về nghỉ mất sức hay nghỉ theo nghị định 141 gì đó…?! Rồi thấy anh kéo nhị, vỗ trống cơm, gõ trống con, …đứng đầu một nhóm nhạc hiếu làng Trèm. Đi viếng nhiều đám trong làng, tôi lại thấy anh mải mốt, chăm chú và nhiệt tình trong nghề nghiệp mới, một nghề, mà theo tôi, dư luận xã hội, cho đến nay, phải nói là chưa coi trọng đúng mức vai trò và ý nghĩa của nó đối với đời sống tinh thần, tâm linh, với phong tục, tập quán tang ma truyền thống của người Việt nước Nam.
    Mỗi đứa một nghề, một công việc, lại bận việc gia đình, việc này việc khác, chúng tôi rất ít có dịp gặp nhau lâu, ít trò chuyện, tâm tình. Nhưng mỗi lần gặp gỡ, chuyện trò, dù chỉ trong thoáng chốc, vẫn thấy anh gần như ngày xưa: nhẹ nhàng, nhanh nhảu, khéo ăn khéo nói, tận tình và cởi mở với bạn bè.
    Dăm năm gần đây, tôi và anh có tặng nhau một vài tập thơ, tập sách mới viết, mới in của mình. Đọc Nguyễn Đăng Phúc, thấy anh, mặc dù do hoàn cảnh, điều kiện khó khăn riêng nên chưa được học hành đến nơi đến chốn, nhưng vẫn một lòng đam mê văn chương nghệ thuật, không phải với tư cách một độc giả, khán giả mà với tư cách một người viết nghiệp dư, một nghệ sỹ làng: hồn nhiên, bền bỉ, nồng thắm. Và hình như, cùng với thời gian, ngọn lửa nhiệt tình ấy, không những không tàn lụi mà vẫn cháy đượm, vẫn không kém nồng nàn, chân chất. Tôi ngạc nhiên và rất quý, thậm chí khâm phục anh về điều đó.
    Bởi vậy, khi anh nêu ý định tập hợp những cái đã in ra của mình trong suốt gần nửa thế kỷ sống và viết vừa qua làm thành một quyển gọi là tuyển tập gì đó,… Nguyễn Đăng Phúc có nhờ tôi góp ý, tư vấn. Tôi rất vui trước ý tưởng tốt đẹp, đầy ý nghĩa của bạn già và cùng anh mau mắn bắt tay vào việc. Trải qua vài tháng tập hợp, thống kê, lựa chọn, phân loại tư liệu, chỉnh sửa từng văn bản cẩn trọng, kỹ càng, sắp xếp bố cục, rồi trình bày, ghép ảnh, in ấn, …chúng tôi đã cùng nhau làm nên Tuyển tập tác phẩm 42 năm (1970 – 2012) này.
    Đăng Phúc lại có nhã ý mời tôi viết lời tựa cho công trình tập hợp tác phẩm để đời  của anh. Tôi làm sao có thể chối từ trước thịnh tình nồng nhiệt của bạn già, mặc dù đây chỉ là cuốn sách tự tuyển, tự xuất bản, tự in, với số bản khiêm tốn, dưới sự bảo trợ của CLBTV Hương Chèm?! Nhưng tôi không muốn viết như những lời tựa sách thường gặp khác, mà muốn trước hết, nhớ và viết về những kỷ niệm tình bạn hơn nửa thế kỷ đứt, nối của hai đứa tôi, muốn kể lại để lũ con cháu hiểu ít nhiều về cha ông và bạn bè của các cụ nhà mình…
           Vì thế, mới có mục hồi ức mở đầu có phần tản mạn như trên.

2. Nhìn chung Tuyển tập

    Từ gần 200 sáng tác trong 42 năm (1970 – 2012), được tinh chọn và tiếp tục giũa mài, thôi xao (điển tích lý thú về chuyện Giả Đảo đời nhà Đường công phu sửa chữa thơ mình. Chỉ mải băn khoăn chọn lựa giữa 2 từ thôi (đẩy) hay xao (mở) cửa; hành động của một nhà sư) mà ông vật vã suốt nửa năm trời vẫn chưa quyết nổi!) trau chuốt, nâng cao chất lượng nghệ thuật hình tượng ngôn từ thành 1 tuyển tập tác phẩm 250 trang in. Ngoài Lời tựa và Những lời bình, nội dung chính của sách gồm 5 phần, sắp xếp theo bố cục sau:
     + Phần 1: Thơ: 67 bài  + 5 lời bình.
    + Phần 2: Văn xuôi:  5 văn bản (1 bút ký, 1 tản văn, 2 truyện ngắn thiếu nhi, 1 tham luận);
    + Phần 3: Kịch, Tấu: 4 văn bản (3 kịch ngắn, 1 tấu hài);
    + Phần 4: Dân ca: Đặt lời mới: 16 bài.
    + Phần 5: Ca khúc: 6 bài.
                                          * Tổng cộng: 98 đơn vị tác phẩm.
    Để làm rõ và minh họa cho một số văn bản, trong sách còn in kèm: 12 ảnh và một số tranh vẽ minh họa.
    Nhìn chung, với một cây viết nghiệp dư nơi làng quê ngoại thành Thủ đô, người đọc dễ dàng nhận ra: về số lượng: khá phong phú, nhất là phần Thơ, về loại hình, loại thể, thể loại: khá đa dạng. Về chất lượng nghệ thuật: chưa đồng đều giữa các phần và trong mỗi phần. Nhưng đó cũng là sự tất yếu khó tránh. Nổi bật hơn cả về cả số lượng và chất lượng là phần Thơ. Tiếp theo là phần Dân ca: Đặt lời mới.
    Ánh lên từ ngót 100 sáng tác văn chương nghệ thuật nhiều loại, trải dài suốt hơn 40 năm, vắt qua 2 thế kỷ, thấy hiện rõ một tâm hồn trong trẻo, tươi vui, yêu đời, yêu người, yêu quê hương, gia đình, bè bạn; một công dân nghiêm túc, trách nhiệm, nhiệt tình với công việc chung cuả làng thôn, xí nghiệp; một ngòi bút khá xông xáo, năng nổ, cần cù, bền bỉ một cách hồn nhiên, khiêm tốn và chân thành; một nhà thơ làng, một nghệ sỹ của làng Trèm – xã Thụy Phương đã và đang sống hết mình, viết hết mình, diễn hết mình, đóng góp chút năng khiếu và sở trường của mình vì quê hương, đất nước.
    Ở tuổi 66 – 67, nội những điều đó, chẳng đáng để bạn đọc mến yêu, nể trọng và chia sẻ hay sao?!
    Để giúp bạn đọc cảm nhận dễ dàng, sâu sắc và cụ thể hơn, ở những mục dưới đây, chúng tôi xin  trình bày một vài nhận xét, phân tích và bình giải tỉ mỉ hơn một chút từng phần của Tuyển tập.

3. 67 mùa xuân – 67 bài thơ trữ tình thắm duyên quê Trèm
 
    Chắc không phải ngẫu nhiên khi Đăng Phúc tuyển con số 67 bài từ gần 150 bài thơ đã từng công bố trên các sách, báo, tạp chí địa phương và trung ương từ năm 1970 đến nay, chủ yếu chắt lọc từ 2 tập thơ Kỷ niệm xưa (2005) và Hương đời (2010) của anh. 67 tuổi – 67 bài thơ. Mỗi năm chọn 1 bài: một con số chưa phải là nhiều nhưng rất có ý nghĩa, ý vị, với riêng anh. Mở đầu phần thơ là 4 câu lục bát đề từ khá sâu lắng và xao xuyến, hướng tới sự chia sẻ nỗi cô đơn, nỗi buồn sáng trong với người tri âm – bạn đọc; muốn làm linh hồn chung cho toàn bộ 67 bài thơ tiếp theo. Kết phần Thơ là bài Khát giãi bày mâu thuẫn bất khả giải giữa khát vọng viết câu thơ lay động trái tim người và trái tim già cỗi, trơ mòn, bất lực  của người viết. Cuối cùng, bài thơ hay, với anh, và chắc chắn đâu chỉ với riêng anh! mãi vẫn chỉ là kỳ vọng, khát vọng, treo lửng lơ như vầng trăng khuyết thăm thẳm cuối trời. 2 bài thơ ngắn, 1 lục bát, 1 tự do – leo thang là sự thể hiện trực tiếp bằng hình tượng thơ quan niệm chủ yếu về sứ mạng vinh quang và cay đắng của thơ và người làm thơ của Nguyễn Đăng Phúc. Tất cả 67 bài thơ  trong tuyển tập này, dù ở chùm nào, viết về đề tài gì, chủ đề gì, cũng đều được viết dưới ánh sáng của tư tưởng nghệ thuật ấy. Nhưng thực tế, thành công thật sự vẫn còn hiếm hoi. Âu đó cũng là sự thường đối với một cây bút thơ địa phương, nghiệp dư, cấp phường xã.
    Nét độc đáo đầu tiên của phần thơ, về mặt hình thức bố cục, là được gom thành 8 chùm, mỗi chùm tập trung vào một đề tài - chủ đề khác nhau: 1. Tam khúc thu; 2. Chùm bốn câu; 3. Chùm sinh vật cảnh; 4. Chùm về quê; 5. Chùm gia đình; 6. Chùm hoài niệm; 7. Chùm hài – châm; 8. Chùm tình bạn, tình yêu;… Mở đầu mỗi chùm lại có lời đề từ bằng một câu, khúc thơ hoặc văn xuôi của các thi, văn sỹ nổi tiếng Việt Nam hoặc nước ngoài, hoặc 1 câu tục ngữ cũ, mới, thậm chí một câu văn, thơ của bạn bè mà tác giả thấy tâm đắc. Đó cũng là một dụng ý nghệ thuật của Đăng Phúc.
    * Trong cảm nhận của riêng tôi, chùm thơ thu mở đầu và chùm sinh vật cảnh khá hơn cả về nhiều mặt, thể hiện mặt mạnh và đặc sắc riêng của người viết trong việc làm chủ đề tài, thể loại và ngôn từ, hình ảnh. Mặc dù thi đề mùa thu đã trở thành cổ điển, truyền thống, gần như vĩnh cửu, phổ biến đến mức rất dễ quen nhàm, mòn sáo đối với thi nhân đông tây, kim cổ. Đăng Phúc làm sao thoát ra khỏi trường thơ, bể thơ thu mông mênh ấy? Nhưng bên cạnh những hình ảnh quen thuộc, thậm chí trùng lặp từ thi đề đến thi tứ, thi ảnh trong Thu sang, Trưa vườn và Hoa trái (có thể kể thêm cả bài Vào đông (thơ 4 câu), thực chất chủ yếu cũng nói về mùa thu), Bốn mùa, Hồn cây – tình người…vẫn chỉ thấy mây thu, gió thu, cây  thu, lá thu, hoa thu, trăng thu, trời thu, hồn thu… rất đỗi quen thuộc như từ cả ngàn năm qua vẫn thế! Tứ thơ thu cũng không có gì mới mẻ, khám phá. Tuy nhiên, đây đó, thấp thoáng đã thấy xuất lộ những câu thơ tả thu khá tinh tế và uyển chuyển. Một vài hình ảnh thu bàng bạc Đường thi gợi, thoáng và ca dao hóm hỉnh, dân dã mà vẫn hiện lên cái hồn riêng của cảnh sắc thu vùng làng Trèm – một làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Chẳng hạn:
Gảnh Đình, chấp chới buồm xa,
Ao Sen cá quẫy mời ra chia phần.
Vèo trôi non hạ, già xuân,
Cưỡi vầng mây bạc, tần ngần sang thu.
Giật mình, chợt động giấc trưa,
                 Tưởng ngàn cánh hạc nhớ mùa bay ngang… (Thu sang)
    Hình ảnh cây, quả trong vườn trưa thu được nhân hóa thật hồn nhiên, tự nhiên trong mối quan hệ với đôi vợ chồng già yếu, lười, mỏi mệt vì bệnh tật và tuổi tác, trong sự vận dụng khá nhuyễn thể thơ song thất lục bát:
Vườn lặng lặng, thù thì cây cỏ,
Bưởi ù ỳ, mít gõ ầu ơ,
Lão hồng, chanh, khế gầy xơ,
Ngóng bà chủ yếu vẩn vơ đứng ngồi…
Cười chủ ông rồi hơi oằn oải,
Khiến vành khuyên ngần ngại, gật gù,
Thì ra trời đất cuối thu,
                               Chớm đông, nên thoáng lù khù, cợt trêu… (Trưa vườn)
    Một vài đặc sản ẩm thực làng Trèm được đặc tả bằng những từ địa phương rất riêng, cũng có thể coi là một thứ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong niềm tự hào vô hạn của con dân một làng văn hiến bên hữu ngạn Nhĩ Hà:
Bánh chưng ai thẹp, rộp nào cũng xinh!
Cháo se , ngon đến… giật mình,
                         Chè kho đĩa phượng, ai rình tặng ai!?    (Bâng khuâng)
    * Chùm bốn câu, 11 bài, đọc được, khá lý thú. Vì tuy không chuyên tâm vào thể thơ bé hạt tiêu rất khó viết, càng khó hay này, nhưng Đăng Phúc cũng ít nhiều đã để lại trong người đọc ấn tượng đậm đà với Cắt nghĩa, Hơi say, Trà sớm hom hóm ở câu kết (cái đinh của bài thơ bốn câu (tứ tuyệt*). Tôi thích giọng da diết, nỉ nài mà đáo để xen chút đắng đót, tạo bởi cấu trúc câu: Đã… đừng như (điệp 2 lần) trong Đừng:
Đã yêu, yêu đến bạc đầu,
Đừng như vút cánh chim câu cuối trời!
Đã say, say đến trọn đời,
Đừng như say sỉn, khóc cười… nồng nênh!
    Đăng Phúc tâm sự: Chữ nồng nênh là kết quả của bao lần lựa chọn, cân nhắc từ những: buồn tênh, bồng bênh, vẩn vơ, dở dang … và cả rồ điên… nữa! Tuy không thật mới nhưng cũng đã biểu lộ công phu, khó nhọc, đau đầu, mệt óc đấy chứ! Cái việc thôi xao mãi chẳng ngừng, cốt diễn tả thật đắt ý tứ người thơ. Nhưng theo tôi, các bài Ngọc lan, Lỡ, Xin, Đối thoại… thì tứ lỏng, lời dễ dãi, không có gì đặc biệt.
    Nói chung, thể thơ bốn câu hoặc tứ tuyệt đều không phải chỗ mạnh của ngọn bút  đa năng thôn Hồng Ngự, làng Trèm!

    (* CHÚ GIẢI 2 khái niệm: thơ bốn câu và thơ tứ tuyệt (để bạn đọc tham khảo):

    Hiện nay, trong giới nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam, vẫn đang tồn tại 3. quan niệm sau: 1. Thơ 4 câu là thơ tứ tuyệt (chữ Hán: tứ : bốn, tuyệt: rất hay, rất khó, tuyệt vời). 2.1. Thơ tứ tuyệt: một thể thơ Đường luật bao gồm 2 tiểu thể loại: a, thất ngôn tứ tuyệt (7 tiếng/câu; 4 câu/bài, với cấu trúc chung: khai(câu 1) – thừa(2) – chuyển(3) -  hợp (4);Có quan niệm cho rằng bài thất ngôn tứ tuyệt là được cắt ra, rút gọn 4 câu (2 liên) từ bài thất ngôn bát cú. Tuyệt còn có nghĩa là dứt, đứt. B, Ngũ ngôn tứ tuyệt (5 tiếng/câu; 4 câu/bài); cần phân biệt bới thể ngũ ngôn cổ phong. 2. 2. Thơ 4 câu: là bài thơ viết bằ,ng các thể loại thơ khác (trừ 2 thể thơ tứ tuyệt nói ở 2.1.). 3. Thơ 4 câu bao gồm cả thơ tứ tuyệt. Tứ tuyệt là 1 tiểu loại, bộ phận của thơ 4 câu. Chế Lan Viên, trong những chùm thơ 4 câu – tứ tuyệt nổi tiếng của mình, chính là sáng tác theo quan niệm này).

    * Chùm về quê tả lại xúc cảm và tâm trạng trong và sau những chuyến Đăng Phúc cùng vợ con, anh chị em trong gia đình hành hương về thăm quê nội Kinh Bắc, quê vợ Hưng Yên và quê mẹ Tràng Đà (Tuyên Quang). Nhìn chung, tình thơ chân thật nhưng xúc cảm chưa sâu, chưa thăng hoa để đột biến thành những tứ thơ, hình ảnh thơ ấn tượng. Thơ anh ở chùm này hơi nghiêng sang phía kể, tả cảnh vật, sự việc bên ngoài, thù tạc, hiếu hỷ. Mấy bài về quê hương quan họ, làng tranh Đông Hồ cũng đã cố gắng thể hiện cái duyên riêng, cái lúng liếng mặn mòi, đằm thắm, bay bổng của những hội Lim, nón Ba tầm, sông Cầu lơ thơ, câu ca Giã bạn, Người ở đừng về, Trèo lên Quán Dốc… nhưng vẫn hời hợt, chung chung và có phần mòn sáo.
    * Chùm gia đình nối theo, khởi sắc hơn một chút, viết về cái gia đình lớn, nhỏ riêng mà Đăng Phúc là chủ nhân ông. Ta gặp những bài thơ gọn, xinh, giản dị về tình bố con, ông cháu, vợ chồng, ông bà. Thơ vui tặng vợ quả thơ; thơ mừng sinh nhật con gái 16 tuổi, thơ chơi cùng cháu nội, cháu ngoại… với những ý thơ hiền lành, độ lượng, đầy yêu thương, chăm bẵm, dịu dàng, ngọt ngào, giáo dục, dạy bảo con cháu nhẹ nhàng… Nhưng sao chưa thấy rõ, đậm sự non tơ, nhí nhảnh, lấp lánh ánh mắt, nụ cười của trẻ con mà mới là sự cố nhập vai chưa nhuyễn của người ông khi tả, kể về các cháu bằng thứ ngôn từ cứng, cũ, chớm già nua của mình.
    * Chùm hài – châm 3 bài muốn thể nghiệm khả năng trữ tình bằng tiếng cười nhẹ nhàng của người viết trước những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong cơ quan, làng xã, gia đình. Châm chích tệ nạn cờ bạc (Tiến – quỳ - tiền), sinh đẻ vô kế hoạch vì khát con trai (Chồng người, chồng em!), khóc thương ông sếp sớm bị vào tù nhặt lá, bóc lịch vì tham nhũng (Sếp ôi!)…Lời thơ trôi chảy, nhịp nhàng. Mâu thuẫn trào phúng làm bật ra tiếng cười châm biếm hay hài hước còn giản đơn. Nhân vật trào phúng, đối tượng của tiếng cười chưa được cá tình hoá, mà mới chỉ như cái khung đã có sẵn về tính cách, hành động và số phận. Theo tôi, thơ trào phúng, hài – châm cũng chỉ nên là 1 hướng thể nghiệm, hướng phụ của thơ Đăng Phúc.
    * Chùm hoài niệm 14 bài chứng tỏ vốn sống quá khứ dệt bằng kỷ niệm của Đăng Phúc khá dồi dào, sâu lắng. Hoài niệm về đất nước và làng quê thời niên thiếu, thời thanh niên đi học, đi bộ đội, làm công nhân, con người và cảnh vật thời chiến tranh, thời đổi mới…Hoài niệm hun hút xa xưa về người cha nằm lại ngoài biển khơi với đoàn tàu không số, về người mẹ cả đời vất vả, thầm lặng hi sinh vì chồng, vì con, vì Độc lập tự do của Tổ quốc, về những cô gái TNXP phơi phới xinh tươi trên những cung đường Trường Sơn năm xưa, giờ đây đã thành bà lão gần 70 tóc muối, da mồi, về những giọt nước mắt cố kìm khi thăm viếng 10 đóa trăng tròn, 10 hồn trinh ở nghĩa trang ngã ba Đồng Lộc…; về những tháng năm cần cù, yêu thích nghề mộc và xưởng mộc kho 3, về cô lái đò Thái Bình tốt bụng…Hoài niệm gần hơn, tươi vui hơn về cô gái múa sênh hội làng Vạn Phúc hay cô thợ hàn nhà máy Bê tông Trèm…
    Hiện thực quá khứ xa, gần được lọc qua cái rây thần của hoài niệm, kết nên những bài thơ ăm ắp nhớ thương, thoang thoáng ngậm ngùi, man mác buồn dìu dịu. Xúc động hơn cả là 2 bài Bên linh cữu và Tiếng kèn. Tôi cho rằng Bên linh cữu là bài thơ cảm động nhất trong cả 67 bài thơ tuyển. Cảm động một cách tự nhiên như tiếng khóc thầm, vật vã của người con trai đau đớn khôn cầm vì mất mẹ. Trong tưởng tượng hoảng loạn của anh, hình ảnh:
Mẹ về quê, mấy dặm trường,
Lối mòn dốc ngược cung đường Người qua.
    Là sự lẫn lộn giữa những lần về quê khi mẹ còn sống với lần cuối cùng này, lần vĩnh viễn, mẹ về quê với ông cha, tổ đường. Hình ảnh lối mòn dốc ngược mà mẹ phải vượt qua ấy cứ ám mãi trong nỗi xót xa, thương nhớ của con. Hai câu kết lồng niềm xúc động nghẹn ngào của con với tư tưởng triết lý Phật giáo sống gửi thác về một cách thấm thía, ngõ hầu thêm một lời cuối an ủi hương hồn Mẹ:
Nghẹn ngào, ngọn cỏ gió đùa
Mẹ nương cõi Phật, con nhờ trần gian.
    Tiếng kèn là bài thơ duy nhất trong tập nói về nghề nghiệp hiện tại của Đăng Phúc với bao suy tư, trăn trở, mặc cảm xen lẫn tự hào. Tôi nghĩ, câu: Tâm tình nhắn gửi mong đời cảm thông, chính là tâm nguyện thành thật rất đáng được chia sẻ của anh và những người đang làm công việc giống như anh.
    Với 2 bài thơ vừa dẫn, hình như Đăng Phúc không có ý định làm thơ nghệ thuật mà chỉ viết dưới sự thôi thúc và dẫn dắt của cảm xúc trào cuộn, bất ngờ đột khởi. Thật kỳ lạ! Khi không dụng công làm thơ thì lại được 2 bài thơ giản dị, chân thực, khá sâu sắc. Và có lẽ vì thế mà chúng lay động lòng người. Còn khi hạ quyết tâm cao, trổ hết trí - hồn viết về 1 chủ đề thời sự, xã hội hoặc văn hóa hot chẳng hạn, thì, hỡi ôi, lại đẻ ra bài văn vần nhạt thếch!?
    * Chùm tình yêu – tình bạn 16 bài quả là đã vét cạn hồn xanh trong trái tim đa cảm Nguyễn Đăng Phúc. Thấy đủ các cung bậc quen thuộc của những cuộc tình anh đã trải hoặc đã nghe, chứng kiến: người tôi, hẹn, lỡ hẹn, tương tư đôi đường, yêu, nhớ, buồn, ghét, trao, chờ đợi, muốn, hờn giận…Có tứ thơ tình ý nhị, đáng yêu, giăng mắc cùng những hạt mưa xanh thành thơ mưa với chín thương, mười nhớ:
Chín thương, đếm hạt mưa xanh,
Mười nhớ da diết, dệt thành… thơ mưa. (Đếm mưa)
        Bài Nhớ đáng chú ý ở sự khéo lồng ghép những địa danh cụ thể của làng Trèm, các xứ đồng Trèm trong nỗi nhớ tình suông dai dẳng: Trăng rơi ao Đấu, sương sa ao Đình/Cổng Chùa, bàng rụng thình lình/Sếu kêu Cửa Trẹm, nghe tình chông chênh…rồi Đồng Vườn, Đồng Tranh, Cầu Đồ, Cầu Đìa héo nửa con tim/Đồng Gia, Ba Đừng, Kiếu đắm, Gạo chìm, Lịp mơ…(có tới 13 danh từ riêng!).
        Nhìn chung, thơ tình yêu lứa đôi của Đăng Phúc chưa gây được cảm giác ngạc nhiên bởi thi đề và hình ảnh thơ khá quen thuộc, có phần dễ dãi; cảm xúc thơ chưa đủ độ nồng nàn, cháy bỏng hoặc cồn cào, dữ dội, hay éo le, khúc mắc mà chỉ nhè nhẹ, êm êm nên cũng chưa đủ độ mặn mòi, thấm thía, chưa gây được những cái giật mình sửng sốt hoặc những cú hích gợi nghĩ tiếp nơi người đọc.
        *Chùm tình bạn khá chân thành trong lối thơ thù tạc cổ truyền cùng anh em, bầu bạn đồng hương, đồng tuế, đồng môn, đồng nghiệp, những tri âm tri kỷ của anh. Đôi khi, cũng được một vài câu khá trau chuốt, công phu: Ta nâng chén tạc, mình nâng chén thù/Uống đầu hè, cạn cuối thu/Đông giá tù mù dốc nữa mời nhau. Ta nhận rõ Đăng Phúc là môt trong những bạn thơ khá quảng giao, chịu chơi, hết lòng và trung thực với bạn bè. Nhưng nếu tìm những đổi mới, khám phá riêng về chủ đề này thì … quả là chưa thấy!
        Đến đây, tưởng đã có thể khái quát một vài đặc điểm cơ bản, cả ưu điểm và hạn chế về thơ Nguyễn Đăng Phúc:
1.    Thi đề khá phong phú; tuy phạm vi hiện thực đời sống chủ yếu từ làng quê Trèm của anh, từ đời sống riêng tư của gia đình và bản thân anh.
2.    Các thể loại thơ tương đối đa dạng nhưng sử dụng quen hơn cả là lục bát. Nhưng chưa thể nói tới mầu sắc riêng của lục bát Đăng Phúc. Anh tỏ ra rụt rè, e ngại và chưa thành công khi thể nghiệm các thể thơ tự do, hiện đại.
3.    Cảm xúc thơ trong sáng, nhẹ nhàng nhưng quá thật thà nên hay bị gò bó, tù túng trong những khuôn khổ quen thuộc. Chưa có những bứt phá, nồng cháy, trào cuộn để thực sự thăng hoa, chuyển hóa thành những tứ thơ, hình ảnh thơ kỳ ảo, lung linh, mới mẻ, bất ngờ, hấp dẫn.
4.    Ý thơ rõ nhưng tứ thơ mờ, yếu nên cấu trúc nhiều bài thơ thường bị lỏng lẻo, chưa gây được ấn tượng mạnh với người đọc. Kết bài mở nhưng chưa gợi sâu xa.
5.    Lời thơ đã được lựa lọc, thôi xao khá kỹ lưỡng, thậm chí công phu nên bài thơ không bị dài dòng (bài dài nhất: 24 câu, đa phần trên dưới 10 câu). Nhưng xu hướng kể, tả bên ngoài vẫn thường bị tách rời và mạnh hơn sự giãi bày cảm xúc, tâm trạng của chủ thể hay nhân vật trữ tình. Nếu dùng khái niệm cũ: Tả cảnh ngụ tình để diễn tả, thì có thể nói: vế ngụ tình còn mờ, yếu.
6.    Màu sắc địa phương khá đậm đà nhưng vẫn còn không ít hình ảnh, và vận dụng các biện pháp tu từ nghệ thuật: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, chơi chữ… dễ dãi, thậm chí sáo mòn; diễn đạt vụng, thô…
7.    Thói quen sử dụng một số từ ngữ cũ mòn, trùng lặp chưa được tích cực, thường xuyên khắc phục. Ví dụ: đong đầy, tháng năm, hương đời, dâng đời, vỡ òa, dạt dào…
                                                                    ***
        Đó là diện mạo chủ yếu và thực chất thơ Nguyễn Đăng Phúc từ nội dung đến nghệ thuật, thể hiện trung thực tính cách, cá tính, trí tuệ và tâm hồn anh. Nếu xếp thơ Nguyễn Đăng Phúc vào loại thơ xã, thơ phường, thì theo tôi, nó đã có vị trí riêng vững chắc, có những đóng góp đáng ghi nhận trong Chiếu Văn Nhĩ Hà, và trong CLB Thơ văn Hương Chèm. Một số bài khá, trội trong Tuyển tập, theo tôi, cũng có thể đăng trên các báo chí trung ương, chẳng hẹm (kém) gì không ít bài thơ nhan nhản trên Người Hà Nội, thậm chí trên cả Văn Nghệ trẻ, Văn nghệ già…!
        Với bản tính khiêm tốn, ham học hỏi, cần cù, chịu khó, đặc biệt là rất say thơ, bạn đọc và tôi tin rằng những sáng tác thơ mới của Đăng Phúc trong tương lai sẽ chất lượng hơn, nhiều chất thơ hơn, hay hơn!... Thơ hơn!

4. Những thể loại khác

        Đăng Phúc đam mê nhiều loại hình, thể loại văn chương nghệ thuật, biểu diễn sân khấu. Bên cạnh thơ trữ tình là thể loại văn học chủ yếu, ngòi bút nghiệp dư đa năng này đã nhiều lần vươn rộng tới những thể loại văn học nghệ thuật khác. Và kết quả: chúng ta được đọc tiếp các phần 2, 3, 4, 5 trong tuyển tập này. Nhìn chung, đây là những sáng tác mang tính bước đầu thể nghiệm, thử bút nên tuy đề cập tới những đề tài, chủ đề xã hội, văn hóa… khá rộng, một số mang tính thời sự cập nhật, có tác dụng tuyên truyền, giáo dục tốt ở địa phương, hưởng ứng những phong trào vận động này nọ. Nhưng mức độ khái quát nghệ thuật chưa cao, cách nhìn và kiến giải chưa sâu và đôi khi còn khiên cưỡng, chủ quan, áp đặt. Tuy vậy, trên bình diện nhiệt tình công dân, tư tưởng muốn dùng văn chương nghệ thuật trực tiếp phục vụ sự nghiệp xây dựng làng văn hóa và góp phần đổi mới thôn làng quê hương Trèm – Thụy Phương trong vài chục năm qua, là đáng quý, đáng biểu dương. Tuyên truyền bằng nghệ thuật mà say sưa, tài năng, chân chính thì cũng có thể trở thành nghệ thuật chứ sao! Những tranh luận sôi nổi, nghiêm túc về mối quan hệ giữa nghệ thuật và tuyên truyền giữa GS. Đặng Thai Mai với họa sỹ Tô Ngọc Vân cùng những ý kiến của đồng chí Trường Chinh (Sóng Hồng) về vấn đề này từ giữa thế kỷ trước, chắc Nguyễn Đăng Phúc chưa đọc! Nhưng với tấm lòng nhiệt thành với quê hương, đất nước, với mẫn cảm của một tâm hồn, một trái tim mang tố chất nghệ sỹ, Đăng Phúc, bằng ít sáng tác đầu tay mỏng mảnh của mình, đã hồn nhiên nối tiếp các vị tiền nhân, chứng minh cho vấn đề lý luận văn nghệ cách mạng ấy, dù mới ở phạm vi làng xã. Tôi rất hoan nghênh nhiệt hứng công dân vẫn đang sôi sục trong tâm hồn Đăng Phúc và chân thành chúc anh thành công hơn nữa trên mặt trận đầy khó khăn và hứng thú này.
                                                                     ***
        Phần 2: Văn xuôi, gồm 5 tiểu  phẩm (tác phẩm ngắn). Bút ký Về Tuyên giản đơn như một bài tường thuật nhanh, vội, dù cảm hứng hồi hộp, cảm xúc trở về nguồn không thiếu. Hồi ức Viếng chú là sự hòa trộn giữa bút ký, điếu văn và tản văn viết thay lời vợ khá cảm động. Đáng đời sói thực chất là một truyện đồng thoại thiếu nhi. Chủ đề rõ, sáng. Kết cấu đơn giản. Nhưng phải chăng để nhân vật ông Hổ là nhân vật chính diện, tốt bụng như già làng, mọi loài trong rừng vừa sợ phục vừa kính yêu, vâng lời răm rắp để đối lập với sói ác… có phần chưa thuyết phục và trái ngược với lôgich cuộc sống đời thường? Nhưng có khi đó lại là cách nhìn và lý giải bạo, mới của Đăng Phúc cũng nên?! Nhân nào quả nấy viết lại truyện dân gian quen thuộc nhưng chưa ra chất hiện đại trong cách dựng, tả, kể, trong lời kể và đối thoại, chưa phả được tư tưởng mới, cách nhìn mới vào nội dung xưa. Nghĩ về thơ và thơ hay là bài văn nghị luận duy nhất trong Tuyển. Người viết bàn giải vấn đề, nêu và chứng minh luận điểm chủ yếu qua sáng tác của bản thân nên tỉ mỉ, cụ thể và tương đối thuyết phục nhưng tính luận lý chưa chặt, chưa sâu.
        Phần 3: Kịch, tấu có 3 kịch bản văn học (kịch nói) ngắn (1 màn).  Nội dung tư tưởng tốt, chủ đề rõ, sáng. Nghệ thuật: nói chung, tính kịch chưa nổi. Mâu thuẫn, xung đột chưa được đẩy tới cao trào, đỉnh điểm và giải quyết một cách hợp lý, bất ngờ mà thường dễ dãi, theo sự sắp đặt chủ quan, dễ dàng của người viết. Lời thoại giản đơn, ít chất văn, chưa góp phần thúc đẩy hay cởi giải mâu thuẫn. Ai cũng biết kịch là 1 thể loại nghệ thuật sân khấu tổng hợp. Viết kịch bản văn học, so với viết truyện ngắn, bút ký, tản văn, thậm chí tiểu thuyết…khó và phức tạp hơn nhiều. Mạnh dạn của Nguyễn Đăng Phúc, với riêng tôi, rất nể!
        Tấu hài Vợ tôi… có phải?! nhẹ nhàng, hóm, vui bởi câu chuyện hài được kể, tả bằng ngôn ngữ nửa văn xuôi nửa văn vần (chủ yếu vần lưng) trôi chảy, thú vị, dễ nhớ, dễ thuộc. 2 nhân vật chính (vợ, chồng (xưng tôi) được cường điệu vừa phải, đối lập mà thống nhất, rõ là 2 nửa của nhau, khác nhau không ít mà vẫn không thể thiếu nhau, rất thương yêu nhau cùng xây dựng tổ ấm gia đình. 2 câu lục bát để kết, theo tôi, rất phù hợp và có duyên, biến hóa đôi chút ý câu ca dao cổ truyền về quan hệ vợ chồng, nếu cả hai đều muốn giữ bền hạnh phúc:
Chồng hiền, vợ phải biết điều,
Đừng như gió mạnh cuốn diều đứt dây.
        Chữ phải hơi nặng, có vẻ gia trưởng. Tôi muốn đổi chữ nên, cho nhẹ bớt.
        Đăng Phúc tỏ ra có năng khiếu hài trong sáng tác thể loại độc tấu và trong kỹ năng trình diễn chính tác phẩm của mình, nối bước nghệ sỹ làng đàn anh nổi tiếng thôn Đình một thuở chưa xa: Hữu Tòng.
        Phần 4: 14 bài dân ca cả 3 miền được Đăng Phúc soạn lời mới, chứng tỏ một khả năng khác của anh. Nghe anh trình bày lại từng bài trong nhiều dịp khác nhau, đọc kỹ văn bản, khán giả tôi lại được thưởng thức giọng hát ngọt ngào, trong trẻo, cao vút, đậm chất dân ca của một nghệ sỹ làng. Lời ca hòa với làn điệu khá ngọt, êm. Tuy nhiên, nhiều khi do phải cố uốn cho đúng giai điệu, nhịp điệu mà hình ảnh, lời ca thành gượng ép, mòn sáo, thậm chí khô khan, thường bị trùng lặp (đường bê tông khang trang, rộng mở, ánh điện sáng đêm, nhà cao tầng mọc lên, hát vang muôn lời ca, tưng bừng mở hội…). Tôi biết là khó và phải rất công phu, song vẫn thường góp ý để anh sửa chữa, trau chuốt lời ca sao cho mới, sắc và đậm  tính văn chương hơn nữa. Tôi cho rằng, phần 4 là đóng góp nổi bật thứ 2 của Tuyển tập tác phẩm Đăng Phúc, sau phần Thơ.
        Phần 5:  gổm 4 ca khúc mới về quê Trèm, thôn Hồng ngự, mái trường tiểu học thân yêu, và về họ đạo Công giáo, nhà thờ Thánh Phêrô trong đêm Nôen niềm tin ơn Chúa…Tất cả được Đăng Phúc sáng tác và biểu diễn trong vài ba năm gần đây tại những cuộc liên hoan, hội diễn cấp thôn, xã và lễ hội Đình Chèm: Bài ca que yêu dấu/Ngân nga trước Gảnh đình... Giai điệu đơn giản, chân phương; lời ca giản dị, ngắn gọn, trong sáng được tự biên tự diễn say sưa, hết mình, khiến đông đảo khán giả vùng Trèm – Vẽ – Hoàng – Mạc  bên dòng sông Hồng, Từ Liêm, Hà Nội…rất ngợi ca, ái mộ.
        Cuối cùng là 2 ca khúc ngắn: Thơ của bạn bè cùng phổ 4 câu đề từ phần Thơ của Đăng Phúc.
        Nhìn chung, cả 6 bài ca đều là của những tay bút mới võ vẽ tự học và tập sáng tác những nhạc phẩm đầu tiên trong đời mình nên không tránh khỏi nhiều sai sót, ấu trĩ, nhất là về kỹ thuật viết giai điệu, khúc thức, hòa thanh, ghép lời… Rất mong được bạn đọc – khán giả cảm thông, thể tất và lượng thứ!
                                                                  *****
        Đến đây, người bạn đọc thân yêu, khó tính và khe khắt chắc khẽ lắc đầu, nhăn trán và có khi lẩm nhẩm thành tiếng: - Khiếp! lão già! Tựa tiếc gì mà dài ngoằng ngoẵng thế ru?! Còn tôi, kẻ đang viết những dòng có vẻ như lòng thòng này nghe thấu, sẽ mỉm cười, vừa cãi vừa thanh minh thanh nga, rằng: - Mình có thể dễ dàng thu ngắn, còn 2, 3 trang, thậm chí 1 trang, bé bằng bàn tay… cũng chẳng khó gì! Nhưng lại cứ thích và chủ ý viết dài, bởi: Trước hết, tấm lòng bạn bè mách bảo trái tim và ngón tay gõ phím nhất thiết phải thế; hai là chính vì người bạn đọc quý mến cũng say thơ, yêu văn và mê ca hát, đàn địch như tôi đấy! Và lý do cuối cùng, vì Tuyển tập này kết tụ một đời lao động nghệ thuật say mê mà nghiêm cẩn của Đăng Phúc, cũng là tuyển tập văn thơ đầu tiên sẽ được ra mắt tại CLB Thơ văn Hương Chèm. Chính vì vậy, lời giới thiệu không thể chung chung, sơ sài, qua loa cho có mà phải trân trọng, cụ thể, nâng niu và cố gắng trung thực, khách quan, cẩn trọng trong khen, chê, nhất là khi viết về sản phẩm tinh thần chắt chiu từng bài, từng câu, từng giọt của một trong những người bạn thân của mình.
        Trong mắt tôi, Lời tựa này không chỉ tạm coi là 1 tiểu luận nho nhỏ về nghệ phẩm của một người bạn cùng quê mà còn là một lời tâm sự, một câu chuyện văn chương nghệ thuật cởi mở, muốn được nhàn đàm, trao đổi cùng bầu bạn gần xa. /.

Đại Đồng, Trèm – Thụy Phương,
chiều cuối thu năm Nhâm Thìn
(10 – 10 – 2012)
Đường Văn


ĐỌC  TUYỂN TẬP
NGUYỄN ĐĂNG PHÚC
(Phần Thơ)
LÊ DỤ

    Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Đăng Phúc tự tuyển chọn 67 bài thơ. Anh tuổi Đinh Hợi (1947), năm Nhâm Thìn này (2012) sắp qua, sang năm mới Quý Tỵ (2013), là bước sang tuổi 67. Chẳng còn trẻ nữa nhưng cũng chưa hẳn đã thật già! Với anh, con số lục lục, lục thất phát âm gần gần với lộc lộc, lộc phát… Điều đó có ý nghĩa lắm chứ!
    Mở đầu phần Thơ tuyển là 4 câu lục bát đề từ, học cách nói ngược của cụ Nguyễn Công Trứ. Bài số 1: Thu sang và tiếp theo lần lượt theo một số chủ đề, thể loại, nội dung… đến bài thứ 67 - cuối cùng: Khát.
    Mùa thu là mùa thơ. Dụng ý của bài đầu tiên Thu sang mở ra mùa thơ Nguyễn Đăng Phúc từ những năm 70 thế kỷ trước đến nay. Hơn 40 năm là một chặng đường dài của một đời người sinh sống, lao động, yêu thơ và làm thơ. Thật đáng quý!
    Các đề tài thơ được phản ánh trên bình diện rộng: Thiên nhiên, đất nước, quê hương (nội, ngoại), gia đình, bè bạn… bằng cả 2 phương thức: trữ tình (chủ yếu), trào lộng. Ấn tượng chung khi đọc thơ Nguyễn Đăng Phúc là ngọt ngào, tính tứ, lãng mạn pha nét hóm hỉnh. Sự khéo léo ở Thu sang là viết về một thôn, làng cụ thể nơi mình sinh sống. Có câu vào loại rất hay, phảng phất phong vị Đường thi:
Giật mình, chợt động giấc trưa,
Tưởng ngàn cánh hạc nhớ mùa, bay ngang.
    Suy ngẫm về thời gian là suy ngẫm về sự hữu hạn của đời người. Hình ảnh thơ vừa thực vừa ảo đan cài. Phải chăng bởi tác giả đã bước tới tuổi sang thu rồi?! Phải là người có tình yêu quê hương, làng xóm thắm nồng, chân thành mới viết được câu thơ, bài thơ ám ảnh đến thế!
    13 bài viết về gia đình, họ hàng. Mấy ai là người không yêu cái gia đình riêng với những người ruột thịt, thân yêu nhất của mình; nhưng viết thành  thơ với số lượng nhiều như thế, kể cũng hiếm!
    Bài Bên linh cữu rất xúc động bởi tình mẫu tử thiêng liêng. Lời thơ mộc mạc, chí thành, kết hợp nhuần nhị giữa tình cảm sâu đằm, nóng bỏng của người con hiếu thảo với người mẹ vừa hết tuổi trời, phải ra đi theo quy luật nghiệt ngã sinh – lão – bệnh – tử:
    Mênh mông công mẹ sinh thành/Bỏ con trơ trọi sao đành, mẹ ơi!/Mấy phương Phật, mấy góc trời?/ Mẹ đi, con biết hỏi nơi nào tìm?/Nhà mình chăn ấm, giường êm/ Mẹ thì gối đất, sương đêm là màn/Bây giờ hồng Bắc, nhạn Nam /Một bầy côi cút, lạc đàn, bơ vơ…
    Ở thế giới bên kia, vong hồn mẹ anh hẳn là mãn nguyện, mỉm cười có người con chí nghĩa, chí tình đến thế.
    Bài Tiếng kèn tặng người viết bài thơ Người thổi kèn đám ma, cũng chính là cái cớ để anh phơi trải lòng mình, nghề nghiệp của mình. Những câu thơ thổn thức, nghĩ ngợi về nhân tình thế thái, dù vẫn biết bách nhân, bách nghệ. Người đời, đã có mấy ai thấu hiểu cho anh:
Thợ kèn dầu giỏi đến đâu
Mấy ai đã được phong bầu nghệ nhân?
Khóc người như khóc người thân?
Thổi nhòa lệ chữ, ứa vần thi ca.
    Thơ Nguyễn Đăng Phúc đậm chất ca dao, dân ca. Bài Duyên 10 câu thì đến 9 câu ghép nhan đề và các làn điệu dân ca rất khéo, ngọt, nhuần nhị. Câu kết bài Ơi… quan họ ánh lên  mấy hình ảnh quen thuộc, lãng mạn:
Mòn đêm giã bạn, trăng rơi mạn thuyền…
    Giọng điệu thơ Nguyễn Đăng Phúc được nuôi dưỡng từ quê hương quan họ Kinh Bắc; quê nội làng tranh Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh và làng cổ văn hiến vùng Chèm – Vẽ, đất Kinh kỳ, nơi anh sinh ra và gắn bó suốt đời.
    Thơ Nguyễn Đăng Phúc chịu nhiều ảnh hưởng các thi nhân, thi sỹ nổi tiếng. Người đọc dễ dàng nhận thấy bóng dáng, ngôn từ, giọng điệu rất đậm từ những: Nguyễn Bính, Huy Cận, Tố Hữu và cả… cụ Phan Bội Châu nữa!...
    Ngỡ như đó là ưu điểm nhưng cũng lại là điểm hạn chế trong thơ anh!
    Đọc 67 bài thơ Nguyễn Đăng Phúc, thấy như vừa được dạo thăm một vườn cây, hoa trái đa chủng loại, lắm sắc, nhiều mầu. Tuy nhiên cành, lá còn rườm rà, thậm chí lẫn không ít cỏ (mà người trồng vườn chưa kịp để ý!?) Hơn nửa số bài viết theo thể lục bát (37/67). Có khi vì ép vần nên lạc ý:
Đàn gà cục tác ven đê
Đàn lợn ủn ỉn, đề huề âm dương.
                                                                                   (Đông Hồ – Làng tranh).
    Buộc phải đảo từ, lại làm câu thơ tối nghĩa:
Bé con thổi sáo, chăn trâu
Lá sen che nắng, hát câu dao đồng.
                                                                                (Đông Hồ- làng tranh).
-    Năm sao khách sạn, ăn chơi thả giàn. (Sếp ôi!)
-    Bỗng đò thoáng hiện như tiên giáng phàm. (Chuyến đò).
     Vần gieo trúc trắc:
Cửa nhà, bàn ghế, công ai đục, tràng
Mến thương anh chị công nhân.
                                                                                              (Nghề mộc tôi yêu).
-    Té ra tứ trụ gầy chơi kiếm … xèng
                   Tiến quỳ khai vị đầu tiên  
                                                                                          (Tiến quỳ … tiền!)
    Hình ảnh cũ, mòn: võng đào (Ơi… quan họ!), sớm mận, tối đào (Ghét), cổ ngọc vai ngà (Đếm mưa)…
    Ca ngợi người nữ TNXP thời trẻ xinh tươi. Mấy chục năm sau gặp lại, tác giả buông câu nhận xét:
Ngày xưa nà nõn, giòn tươi,
Nay phơi tóc muối, da mồi, cười nhăn.
                                                                          (Xưa… Trường Sơn… nay…)
    Người phụ nữ nào được ca ngợi như vậy, hẳn chẳng vui thích gì!
    Chú thích bài Đình Chèm, viết Làng Trèm. Bài Làng Chèm có 2 nghệ sỹ, chú thích Chèm/ Trèm.
    Ngôn ngữ có tính quy luật: vừa ổn định vừa biến đổi. Từ Chèm một khi đã ổn định từ lâu trong nói, viết trên các văn bản hành chính, luật pháp, văn chương nghệ thuật. Thiết nghĩ chẳng nên giở giói viết Trèm nữa làm chi cho nhiễu sự… chính tả!
    Những hạn chế trên trong phần thơ tuyển là điều khó tránh. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có lần tâm sự:
Tôi nằm trằn trọc, lòng trăm nỗi,
Giận những câu thơ viết cũ, mòn!
    Xin mượn lời thơ Nguyễn Khoa Điềm viết về bạn thơ của ông (Đồng Đức Bốn) để kết bài viết nhỏ này:
… Một tập, ôi trời…! Là thơ!
Câu dài, câu ngắn, ngẩn ngơ,
Những hương với lửa, những tơ với tình!...

    Chúc Nguyễn Đăng Phúc tiếp tục sáng tạo những vần thơ ấm áp lửa tình và hương sắc lung linh, ngát tỏa, thỏa mãn cơn khát không cùng của anh./.


Kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô
10 – 10 – 2012.
LD

•    Đọc  lại và chỉnh sửa 1- 2014.
                Đường Văn